Kinh đô Vijaya thất thủ và bị phá hủy hoàn toàn Sự suy vong của Vương quốc Chăm Pa

Do vua Chăm là Bí Cai (Bichai) nhiều lần xua quân quấy nhiễu, năm 1446, vua Lê sai Trịnh Khả, Lê Thụ và Lê Khắc Phục đã đem 60 vạn quân tấn công Chăm Pa, thành Vijaya rơi vào tay quân Việt, vua Chăm là Bí Cai (Bichai) bị bắt sống mang về Thăng Long cùng với nhiều phi tần[9].

Năm 1470, quân Đại Việt do vua Lê Thánh Tông trực tiếp chỉ huy lại tấn công Chăm Pa. Quân Đại Việt lúc này đã rất mạnh và có tổ chức tốt. Ngược lại quân Chăm rất yếu và thiếu tính tổ chức[10]. Thủy quân Đại Việt do các tướng Đinh Liệt và Lê Niệm chỉ huy tấn công trước. Lê Thánh Tông dẫn đại quân theo sau[11]. Tháng 2 năm đó, vua Chăm là Trà Toàn cử em đem tượng binh và bộ binh đến sát trung quân của vua Lê Thánh Tông[12]. Các tướng Lê Hy Cát, Hoàng Nhân Thiêm, Lê Thế và Trịnh Văn Sái đem thủy quân chắn giữ cửa biển Sa Kỳ (nay là huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi) chặn lối rút của quân Chăm[12]. Vua Lê Thánh Tông dẫn thủy quân tiến đánh quân Chăm[12] ở cửa Áp (tức cửa Tân Áp, sau là cửa Đại Áp ở huyện Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam)[12] và cửa Tọa (tức cửa Cựu Tọa sau là cửa Tiểu Áp cách cửa Đại Áp hơn 7 dặm[13]). Đồng thời bộ binh Đại Việt do Nguyễn Đức Trung ngầm đi đường núi tấn công quân Chăm khiến quân Chăm phải rút về thành Vijaya[12]. Quân Việt nhanh chóng tiến lên đánh bại quân Chăm và bao vây thành Vijaya[14] Thành Vijaya thất thủ vào ngày 2 tháng 3 năm 1471 sau bốn ngày giao tranh[10]. Vua Chăm là Trà Toàn bị bắt sống và chết trên đường chở về Thăng Long[15]. Ít nhất hơn 60.000 người Chăm bị giết và 30.000 bị bắt làm nô tỳ cho quân Đại Việt. Kinh thành Vijaya bị phá hủy hoàn toàn[10]. Sau chiến thắng vua Lê Thánh Tông đã sáp nhập các địa khu Amaravati và Vijaya[10] và lập nên thừa tuyên Quảng Nam và duy trì vệ quân Thăng Hoa ở đây [16].